Tập đoàn Apple (Mỹ) đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam.
Tại toạ đàm trực tuyến “Việt Nam – Địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và thách thức” ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, Tập đoàn Apple (Mỹ) đã hoàn tất việc chuyển nhiều nhà máy sản xuất thiết bị nghe nhìn sang Việt Nam. Cụ thể, Tập đoàn Apple chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang nước ta.
Bên cạnh đó, các đối tác của Apple tại Việt Nam như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng các cơ sở sản xuất sẵn có. Tính đến năm 2022, hiện có 25 đối tác của Apple đã đặt nhà máy tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thắng Vượng cho biết, thời gian qua, xu hướng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ. Rất nhiều tập đoàn lớn đã tìm kiếm mở rộng mạng lưới và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Ngoài Tập đoàn Apple, nhiều “đại bàng” cũng chuyển dịch và đầu tư vào Việt Nam. Có thể kể đến Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP. Hồ Chí Minh với tổng trị giá 4 tỉ USD; Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương với tổng trị giá 1 tỉ USD.
Nhà máy Intel tại TP. Hồ Chí Minh
Đáng chú ý, Tập đoàn Samsung đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại về Việt Nam và Ấn Độ. Hiện nay, 60% sản lượng điện thoại thông minh của Samsung bán ra trên thế giới đang được sản xuất tại Việt Nam.
Nhiều tập đoàn tên tuổi toàn cầu khác cũng đánh giá cao tiềm năng thích ứng và phát triển của Việt Nam. Walmart, Amazon, Boeing, AES, Carrefour, … đang mong muốn tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của họ trên toàn cầu.
Đại diện Walmart đánh giá, Việt Nam luôn là một trong những thị trường cung ứng hàng hóa quan trọng nhất của nhà bán lẻ này và cũng là trung tâm cung ứng cho khắp Đông Nam Á.
Nhận định về làn sóng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là cơ hội lớn để Việt Nam hút vốn FDI, phát triển kinh tế. Đồng thời cũng là thách thức đối với doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo Ngọc Châm (https://tapchicongthuong.vn/)