Đồng Nai xác định tầm nhìn đến 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam và là một trong 10 thành phố đáng sống nhất châu Á. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh dự kiến sẽ có 17 đô thị, trong đó, Long Khánh và Nhơn Trạch lên thành phố; huyện Trảng Bom cũng được nâng lên thành thị xã…

Cầu Đồng Nai trên sông Đồng Nai, nối TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và TP. Dĩ An (Bình Dương).
Cầu Đồng Nai trên sông Đồng Nai, nối TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và TP. Dĩ An (Bình Dương).

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi nghiên cứu trực tiếp lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai bao gồm: toàn bộ tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích tự nhiên 5.863,62 km2; trên phạm vi 11 đơn vị hành chính: 02 thành phố (Biên Hòa và Long Khánh); và 09 huyện (Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch).

THÊM 17 ĐÔ THỊ TRONG TƯƠNG LAI

 

Trong 17 đô thị đến năm 2030, có một đô thị loại I là TP. Biên Hòa; hai đô thị loại II là TP. Long Khánh và TP Nhơn Trạch; hai đô thị loại III là TP. Long Thành, Thị xã Trảng Bom; 6 đô thị loại IV gồm Thị xã Thống Nhất, các thị trấn Vĩnh An, Tân Phú, Gia Ray, Định Quán và Long Giao và 6 đô thị loại V gồm La Ngà, Phú Túc, Phú Lý, Thạnh Phú, Phú Lâm và Sông Nhạn.

Quy hoạch đồng nai 1

 

Về định hướng chi tiết từng đô thị, đối với TP. Biên Hòa (vượt chuẩn Đô thị loại I, đạt chuẩn khu đô thị trung tâm đô thị đặc biệt thuộc Trung ương), là đô thị tổng hợp cấp vùng, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là một trong các trung tâm lớn của cả nước về phát triển công nghiệp, văn hóa, thương mại – dịch vụ – du lịch, khoa học – công nghệ và đào tạo; đầu mối giao lưu quan trọng của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ.

TP. Long Khánh (đô thị loại II), là cực phía Đông vùng đô thị TP.HCM, đây là trung tâm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng; trung tâm giao thương hàng hóa và kho vận nông lâm sản của tỉnh. Đồng thời là trung tâm du lịch sinh thái nông nghiệp, văn hóa lịch sử cấp vùng, đồng thời là đầu mối giao thông của vùng. Cửa ngõ giao thương liên kết các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

TP. Long Thành (đô thị loại III) là thành phố sân bay cửa ngõ quốc gia. Đây còn là trung tâm tổng hợp cấp vùng.

Đô thị vệ tinh đối trọng vùng TP.HCM, trung tâm công nghiệp sạch, công nghiệp đa ngành, đổi mới sáng tạo, dịch vụ công nghiệp và logistics, trung tâm giải trí và du lịch cảnh quan sinh thái của vùng – Đầu mối giao thông vùng, cực phát triển trọng điểm phía Đông vùng.

Thị xã Trảng Bom (đô thị loại III) là trung tâm đô thị, thương mại – dịch vụ, công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, logisitics cấp tỉnh. Đây còn là lan tỏa, hỗ trợ TP Biên Hòa trong vai trò trung tâm vùng tỉnh – đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh.

Thị xã Thống Nhất (đô thị loại IV) là trung tâm công nghiệp và dịch vụ đầu mối hạ tầng cấp vùng; Đô thị gắn với khu, cụm công nghiệp tập trung, du lịch giải trí, chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trung tâm của tỉnh.

Bên cạnh đó, đây còn là đầu mối giao thông của vùng – trung tâm giáo dục – đào tạo cấp vùng – Trung tâm nông nghiệp chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao.

Thị trấn Vĩnh An (đô thị loại IV) là trung tâm HCCT, văn hóa – xã hội, du lịch và an ninh quốc phòng của huyện Vĩnh Cửu.

Đô thị Phú Lý (đô thị loại V), gồm một phần xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, đây là đô thị du lịch cung cấp dịch vụ đô thị cho vùng sản xuất nông lâm nghiệp phía Bắc hồ Trị An.

Đô thị Thạnh Phú (đô thị loại V), gồm một phần các xã Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thạnh Phú, Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, đây là đô thị công nghiệp – dịch vụ, liên kết phía Bắc TP Biên Hòa với sông Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.

Đô thị Gia Ray mở rộng (thị trấn Gia Ray và một phần xã Xuân Hiệp, Suối Cát, Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc), đây là trung tâm HCCT, văn hóa – xã hội, kinh tế và an ninh quốc phòng của huyện Xuân Lộc – Đô thị trung tâm gắn kết công nghiệp – dịch vụ du lịch.

Đô thị Tân Phú, nằm tại huyện Tân Phú, đây là trung tâm văn hóa – xã hội, kinh tế và an ninh – quốc phòng.

Đô thị Phú Lâm (gồm một phần các xã Phú Lâm, Phú Bình, Phú Thanh) là trung tâm thương mại – dịch vụ, văn hóa – xã hội phía đông huyện Tân Phú.

Đô thị Định Quán (thị trấn Định Quán và một phần các xã Phú Vinh, Phú Lợi, Gia Canh, huyện Định Quán) đây là trung tâm HCCT, văn hóa – xã hội, kinh tế và an ninh quốc phòng của huyện Định Quán.

Đô thị La Ngà (một phần xã La Ngà, huyện Định Quán) là đô thị du lịch.

Đô thị Phú Túc (một phần các xã Túc Trung, Phú Cường, huyện Định Quán) là đô thị du lịch.

Đô thị Long Giao (thị trấn Long Giao và một phần các xã Nhân Nghĩa, Xuân Quế, Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ), đây là trung tâm HCCT, văn hóa – xã hội, kinh tế và an ninh quốc phòng của huyện Cẩm Mỹ.

Đô thị Sông Nhạn (gồm một phần các xã Sông Nhạn, Xuân Quế, Cẩm Đường, Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ) là đô thị công nghiệp, dịch vụ phụ trợ sân bay Long Thành.

Trong tương lai, quy hoạch cũng sẽ hình thành “Tứ giác đô thị động lực” xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành (thành phố sân bay).

Trong đó, Biên Hoà trở thành đô thị tập trung phát triển thương mại – dịch vụ quy mô lớn, du lịch kết hợp cảnh quan sông Đồng Nai; Long Thành là đô thị thông minh, trung tâm thương mại – dịch vụ, giao lưu quốc tế, là đầu mối giao thông kết nối toàn vùng, đồng thời hình thành các khu logistics, khu công nghiệp công nghệ cao.

Nhơn Trạch là đô thị mới, đô thị thông minh, cảng biển và đầu mối giao thông kết nối TP.HCM; Trảng Bom – Long Khánh là đầu mối tiếp nhận, phân phối, chế biến nông sản, hình thành Khu công nghiệp chế biến thực phẩm lớn toàn vùng, cùng với đó hình thành làng Đại học là trung tâm đào tạo nhân lực trong khu vực.

 

“THỦ PHỦ” CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

 

Đồng Nai đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế năng động – là động lực tăng trưởng, hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cần thiết để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2030-2035.

Theo đó, tỉnh đề xuất 4 trụ cột phát triển, bao gồm: Thành phố sân bay; Trung tâm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại; Trung tâm đô thị – dịch vụ đẳng cấp và Nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững.

4 trụ cột phát triển kinh tế của Đồng Nai - Nguồn: UBND tỉnh Đồng Nai.
4 trụ cột phát triển kinh tế của Đồng Nai – Nguồn: UBND tỉnh Đồng Nai.

Tại hội thảo khoa học góp ý quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 16/6/2023, ông Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường đại học Mở TP.HCM, cho rằng khi nói đến Đồng Nai là nói đến “thủ phủ” phát triển công nghiệp. Do đó, việc định hướng phát triển công nghiệp trở thành 1 trong 4 trụ cột của nền kinh tế là đúng đắn.

“Nhưng cần định rõ hướng phát triển, đó là trở thành “thủ phủ” công nghiệp công nghệ cao, trung tâm logistics quốc tế với lợi thế từ hạ tầng giao thông”, ông Hà nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, trong phát triển công nghiệp thời gian tới, Đồng Nai nên có cách tiếp cận mới, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, tỉnh cũng cần tạo dư địa phát triển các lĩnh vực khác. Ưu tiên của Đồng Nai trong giai đoạn tới là đô thị sân bay, dịch vụ logistics…

 

KTS.Ngô Viết Nam Sơn: "Trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai cần những quyết định mang tính đột phá".
KTS.Ngô Viết Nam Sơn: “Trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai cần những quyết định mang tính đột phá”.

Theo KTS.Ngô Viết Nam Sơn, trong quy hoạch tỉnh cần những quyết định mang tính đột phá. Những đột phá này không chỉ nhìn trong ranh giới của Đồng Nai mà phải nhìn ở tầm nhìn vùng.

Tuy nhiên, liên kết vùng giữa Đồng Nai với các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên hiện nay chủ yếu mới chỉ thể hiện ở khía cạnh giao thông là chính. Do đó, quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội để Đồng Nai đề xuất các dự án có tiềm năng liên kết vùng, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, đây là một bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển của Đồng Nai, giúp cho Đồng Nai cất cánh không chỉ trong 10 năm tới mà là tầm nhìn xa hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh: "Phải đảm bảo có 1 đồ án quy hoạch chất lượng cho Đồng Nai".
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh: “Phải đảm bảo có 1 đồ án quy hoạch chất lượng cho Đồng Nai”.

“Hiện nay tiến độ quy hoạch của tỉnh đã chậm nhưng phải lấy chất lượng làm trọng. Không vì thời gian mà làm cẩu thả, làm tắc trách… Phải bình tĩnh làm, đảm bảo có 1 đồ án quy hoạch chất lượng cho Đồng Nai. Quan trọng là phải xây dựng nền móng vững chắc để tỉnh phát triển, trước hết là đồ án quy hoạch phải thật tốt, thật chất lượng”, ông Lĩnh nhấn mạnh.

Theo Vneconomy.vn