Với dự án Sân bay Long Thành, Đồng Nai cộng hưởng được nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, tỉnh đã và đang quy hoạch, mời gọi đầu tư nhiều dự án thương mại, dịch vụ, logistics vùng phụ cận nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Song song với giới thiệu dự án kêu gọi đầu tư, Đồng Nai cũng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, chuẩn bị các nguồn lực từ cơ sở hạ tầng đến nhân lực phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp (DN).
* Cơ hội để DN tham gia nhiều dự án
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên, mục tiêu của Đồng Nai là trở thành địa phương có cơ sở hạ tầng năng động, toàn diện, linh hoạt, bao gồm đường bộ, đường hàng không, đường biển. Năng lực của tỉnh trong tương lai đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển, kho bãi của các DN trong vùng, hướng đến mục tiêu là trung tâm logistics quốc tế.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đồng Nai tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển logistics gồm 2 sân bay (sân bay quốc tế Long Thành và sân bay Biên Hòa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là sân bay lưỡng dụng); cảng biển, cảng cạn/ICD, 4 trung tâm logistics, các tuyến đường sắt/cao tốc, bến xe với tổng quy mô dự kiến hơn 8,9 ngàn ha. Ngoài ra, còn có tổ hợp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu 300ha trong đô thị sân bay và làng giáo dục 300ha tại Nhơn Trạch; trung tâm hội nghị triển lãm hàng không…
Trên thực tế, Đồng Nai vẫn đang thiếu các trung tâm thương mại, outlet quy mô lớn. Các chợ, siêu thị hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, hệ thống các nhà hàng, khách sạn chưa đáp ứng tiêu chuẩn cho phân khúc thị trường khách cao cấp. Tỉnh không có các trung tâm tổ chức sự kiện, hội nghị lớn, đáp ứng nhu cầu cho các DN, các tổ chức trong và ngoài nước. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh phải tận dụng được ưu thế của các điều kiện hạ tầng sẵn có và hạ tầng hình thành trong tương lai để kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư các dự án trên tại Đồng Nai.
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường cho biết, trong thời gian tới, định hướng của tỉnh sẽ tập trung thu hút nhiều dự án đầu tư đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ như: trung tâm hội nghị triển lãm tập trung, trung tâm thương mại dịch vụ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm logistics… Đồng thời, tỉnh ưu tiên cho các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ làm nguyên liệu đầu vào phục vụ các dự án đầu tư tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…
* Cải thiện môi trường kinh doanh
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, không chỉ sân bay mà những năm tới, Đồng Nai sẽ có thêm nhiều dự án hạ tầng lớn được thực hiện và đưa vào sử dụng. Khi đó, tỉnh sẽ trở thành cửa ngõ trung chuyển của cả miền Nam với đầy đủ các phương thức vận tải gồm: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy – hàng hải. Với những lợi thế đó, Đồng Nai định hướng tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, logistics. Đặc biệt, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ là thỏi nam châm thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ và đô thị.
Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai Wu Ming Ying bày tỏ mong muốn nắm thêm nhiều thông tin về quy hoạch các dự án, hiểu rõ hơn về lợi thế của Đồng Nai trong tương lai. Hiệp hội này mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh hỗ trợ cập nhật các thông tin về quy hoạch, định hướng đầu tư cho DN Đài Loan khi đến đầu tư trên địa bàn.
Tương tự, theo ông Michael Vũ Nguyễn, Thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Tổng giám đốc Boeing Việt Nam, đối với ngành hàng không, vấn đề nguồn nhân lực rất quan trọng. Boeing cũng đã làm việc với Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc nghiên cứu các định hướng đầu tư vào khu vực sân bay Long Thành. Để có thể phục vụ tốt cho sự phát triển, Đồng Nai cũng cần đặc biệt quan tâm hơn đến vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực nói chung, trong đó có nhân lực phục vụ ngành hàng không.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, lợi thế của Đồng Nai là điều đã hiển hiện. Các tập đoàn, DN trong và ngoài nước đầu tư vào Đồng Nai cũng chính là khai thác được lợi thế vốn có của địa phương. Vấn đề là chính quyền và các DN cùng hợp tác để cùng thắng. Lãnh đạo tỉnh cam kết minh bạch thông tin các dự án thu hút đến với DN một cách nhanh nhất. Song song đó, tiếp tục cải cách hành chính để thuận lợi hóa thủ tục đầu tư; thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với DN nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, nâng cao tính sẵn sàng đáp ứng của địa phương trong các lĩnh vực đất đai, hạ tầng kết nối, dịch vụ, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trên lĩnh vực logistics, có một số dự án Đồng Nai đang thu hút đầu tư là: Trung tâm Logistics phía nam sân bay Long Thành; Trung tâm Logistics phía bắc sân bay Long Thành (nằm trong Khu công nghiệp Xuân Quế – Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ); Trung tâm Logistics hậu cần cảng Phước An (H.Nhơn Trạch). |
Theo Văn Gia (baodongnai.com.vn)