Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 155/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẩn trương nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, bao gồm đầu tư đường sắt kết nối (trên cao hoặc đi ngầm).
Sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với công suất 25 triệu khách/năm dự kiến sẽ hoàn thành năm 2025 và khai thác từ 2026. Khi hoàn thành tất cả các giai đoạn sẽ có công suất 100 triệu khách/năm, là sân bay lớn nhất của cả nước.
Để kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM, hiện có nhiều dự án giao thông được nghiên cứu đầu tư. Trong đó, có tuyến đường sắt nhẹ sân bay Long Thành – Thủ Thiêm.
Theo đề xuất, dự án có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (Thủ Đức- TP.HCM), điểm cuối là sân bay Long Thành, chiều dài toàn tuyến khoảng 38 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng trên 40.000 tỉ đồng.
Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành được xác định là một trong những dự án động lực của kỳ trung hạn tiếp theo nhằm tăng cường các phương thức vận tải kết nối với sân bay Long Thành.
Mới đây nhất, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chủ trì làm việc với UBND TP.HCM về phương án kết nối ga Thủ Thiêm với sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo nghiên cứu trước đó của tư vấn Tedi South, cần tính toán kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với ga Thủ Thiêm. Từ đó, đường sắt sẽ hòa mạng liên thông với sân bay Long Thành qua tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.
Ngoài đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, một tuyến đường sắt khác là Biên Hòa – Vũng Tàu cũng đang được nghiên cứu để kết nối với sân bay lớn nhất cả nước.
Cụ thể, tuyến đường sắt này có chiều dài khoảng 84 km, có điểm đầu từ ga Trảng Bom (Đồng Nai), điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa- Vũng Tàu), tổng mức đầu tư dự kiến hơn 50.000 tỉ đồng.
Tuyến đường sắt nhẹ nối Thủ Thiêm (TP.HCM) với sân bay Long Thành (Đồng Nai) dài 38 km sẽ được xây dựng với tổng đầu tư dự kiến 40.500 tỉ đồng. Tuyến đường sắt này nằm trong danh mục các dự án quốc gia kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất. Dự án này cũng đã được đưa vào quy hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.