1. Khái niệm thành phố sân bay:

“Thành phố sân bay” là một mô hình đô thị đặc biệt lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông..

Thành phố sân bay Long Thành sẽ được nghiên cứu trên phạm vi 55.000ha gồm toàn bộ địa giới huyện Long Thành và một phần huyện Cẩm Mỹ. Đây là thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế, khu phức đô thị dịch vụ đẳng cấp, trung tâm công nghiệp hiện đại.

Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.

2. Các khu chức năng của thành phố sân bay Long Thành:

Thành phố sân bay Long Thành sẽ có các phân khu chức năng, gồm: Khu thương mại dịch vụ, tài chính, tổ chức sự kiện; khu vực phát triển logistics, công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; khu đô thị (đô thị Long Thành mở rộng, Bình Sơn, Phước Thái); khu văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, nghĩ dưỡng và khu nghiên cứu và giáo dục đào tạo.

– Khu vực phía bắc sân bay 5725 ha bao gồm xã Long Đức, Lộc An, Bình An: Tập trung vào tái định cư sân bay và công nghiệp hiện hữu (Do lợi thế nằm ở các KCN hiện hữu như Long Đức, Lộc An – Bình Sơn..)

– Khu vực phía nam sân bay 4400 ha xã Bàu Cạn, Tân Hiệp, Phước Bình: Tập trung vào thương mại, logistic và công nghiệp Net Zero (Do lợi thế nằm gần cảng cái mép – thị vải)

Về phát triển khu công nghiệp, ngoài 5 khu công nghiệp hiện hữu sẽ quy hoạch thêm 6 khu công nghiệp và định hướng phát triển 3 khu dịch vụ logistics, trong đó nổi bật nhất vẫn là KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp rộng tới 2627 ha.

3. Các đường kết nối vào thành phố sân bay:

Đặc biệt, để kết nối với sân bay Long Thành, hiện nay hàng loạt hạ tầng giao thông có tính chất kết nối liên vùng đã và đang được đầu tư rất mạnh như các tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Quốc lộ 51, Vành đai 3, 4…

Các đường tỉnh cũng đang thi công, mở rộng như ĐT 769, ĐT 770B, ĐT 773 … đặc biệt là tuyến đường liên 5 xã (Phước Bình – Tân Hiệp – Bàu Cạn – Cẩm Đường – Bình An) tạo trục song song với Quốc lộ 51 kết nối thẳng vào sân bay.

Bên cạnh đó, sân bay Long Thành cũng nằm lân cận với hệ thống cảng biển lớn của cả nước Cái Mép – Thị Vải….

4. Các chức năng chính của thành phố sân bay Long Thành:

Một lãnh đạo Sở Xây dựng Đồng Nai từng chia sẻ trên báo chí, mô hình “thành phố sân bay” hay “đô thị sân bay” là mô hình phát triển gắn liền với những cảng hàng không quốc tế vốn đã rất thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đô thị Long Thành được định hướng là trung tâm thương mại – tài chính chất lượng cao; trung tâm dịch vụ logistics, kho vận quốc tế cấp vùng và quốc gia.

Tại một hội thảo về phát triển đô thị sân bay Long Thành diễn ra vào tháng 10/2023, Giáo sư Ha Hun Koo, Trường Logistics châu Á – Thái Bình Dương thuộc Đại học Inha (Hàn Quốc), nhận xét sân bay ở Đồng Nai khá tương đồng với sân bay Incheon tại Hàn Quốc. Vì vậy, Long Thành cũng có thể phát triển theo mô hình thành phố sân bay như Incheon.

Theo Giáo sư Ha Hun Koo, để phát triển thành phố sân bay Long Thành, cần phải xây dựng kế hoạch chiến lược theo từng giai đoạn, thể hiện tầm nhìn và tính nhất quán trong quá trình thực hiện.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh điều quan trọng ngay từ khi bắt đầu triển khai là phải có quy hoạch tổng thể phát triển thành phố sân bay và bảo đảm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.

5. Đóng góp của sân bay quốc tế Long Thành đối với nền kinh tế Việt Nam:

Chính phủ Việt Nam đã định hướng sân bay Long Thành sẽ là một Cảng trung chuyển hàng không và là thủ phủ hàng không của cả nước cũng như trên quốc tế nhằm mục đích thu hút khách quá cảnh và các chuyến bay trung chuyển tại đây để thu lợi về kinh tế, ngoài ra tại đây sẽ là khu trung tâm dịch vụ hàng không trên quốc tế với nhiều dịch vụ như cung ứng xăng dầu, bảo trì, nâng cấp, sửa chữa máy bay… cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Do đó khả năng đóng góp phát triển kinh tế của sân bay Long Thành là rất lớn, theo nghiên cứu của hãng tư vấn Hansen Partnership của Úc thì sân bay Long Thành sẽ đóng góp được 3 – 5% GDP cả nước.

Khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ đảm nhiệm 80% tổng lượng khách quốc tế tính luôn cả khách quá cảnh trên các chuyến bay quốc tế và 20% khách quốc nội, trong khi đó sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chủ yếu phục vụ các chuyến bay quốc nội với việc đảm nhận 80% khách quốc nội và 20% khách quốc tế nhưng không đảm nhận các chuyến bay trung chuyển cũng như khách quá cảnh trên các chuyến bay quốc tế.