Theo nhiều lãnh đạo từng công tác ở hai địa phương trên, năm 1997 tỉnh Bình Phước (cùng tỉnh Bình Dương) được thành lập dựa trên việc chia tách từ tỉnh Sông Bé.
Vẫn phải ‘quá cảnh’ qua Bình Dương
Ngoài dòng sông Bé là ranh giới tự nhiên, hầu hết tuyến giao thông kết nối Bình Phước với khu vực Đông Nam Bộ đều đi qua Bình Dương.
Trong đó ngoài tuyến quốc lộ 14 kết nối Bình Phước với Tây Nguyên, tuyến quốc lộ 13 (TP.HCM – Bình Dương – Bình Phước) kết nối cửa khẩu Hoa Lư (giáp Campuchia) và đường ĐT 741 (Thủ Dầu Một – Đồng Xoài) là hai trục đường quan trọng nhất.
Để phát triển hạ tầng giao thông, năm 2016 tỉnh Bình Phước đã phê duyệt đầu tư tuyến đường BOT Đồng Phú – Bình Dương.
Dự án dài hơn 41km, nối quốc lộ 14 (Km946, huyện Đồng Phú, Bình Phước) với đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng (Bình Dương), tổng vốn khoảng 1.480 tỉ đồng.
Tuy nhiên do nhiều vướng mắc, đến nay dự án BOT vẫn chưa thực hiện.
Còn Bình Phước – Đồng Nai có đường biên giáp ranh khoảng 160km, nhưng bị chia cắt bởi rừng và chưa có tuyến đường kết nối nào.
Phía tỉnh Bình Phước cũng nhiều lần đề xuất khôi phục cầu Mã Đà để nối hai tuyến đường ĐT 753 (Bình Phước) với ĐT 761 (Đồng Nai). Thế nhưng do tuyến đường này đi qua Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, nên đã dấy lên nhiều ý kiến về việc tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rừng…

Từng có phương án làm đường kết nối cho Đồng Nai – Bình Phước
Cuối tháng 4-2023 Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã báo cáo Thủ tướng về việc đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên với đường vành đai 4 TP.HCM, cảng Đồng Nai, cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu và sân bay Long Thành.
Khi đó, bộ cho hay phương án làm cầu Mã Đà qua Đồng Nai có chiều dài 76km gây ra các tác động lớn, chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển…
Sau khi đi thực địa và làm việc với Bình Phước, Đồng Nai, các bộ ngành, Tổ chức UNESCO đã thống nhất chọn phương án kết nối đường Đồng Phú – Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng với đường vành đai 4 TP.HCM tại huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương có tổng chiều dài khoảng 71km.
“Phương án này có hướng tuyến kết nối từ TP Đồng Xoài đến đường vành đai 4 TP.HCM thuận tiện, chiều dài ngắn, kinh phí đầu tư thấp nhất, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai…”, báo cáo nêu.
Tuy nhiên, đến nay việc làm đường kết nối Đồng Nai – Bình Phước ở vị trí nào, xây dựng theo phương án nào vẫn chưa “chốt” xong, vì Bình Phước tiếp tục kiến nghị Trung ương đầu tư mở rộng đường ĐT753 kết nối đường ĐT761 của tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà.
Về phía tỉnh Đồng Nai, đến nay cũng đang phối hợp với Bình Phước cùng khảo sát vị trí tuyến đường để báo cáo các bộ ngành về phương án làm đường tối ưu cho việc kết nối hai tỉnh.
Xem thêm: