Mục tiêu Long Thành hướng tới trở thành một trong các đô thị trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ và vùng động lực phía Nam, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đồng Nai. Đến trước năm 2030, Long Thành đạt tiêu chí đô thị loại III và sau năm 2030 hướng tới đô thị loại II.
Long Thành là đô thị gắn kết với sân bay Long Thành, trở thành khu vực cửa ngõ của quốc gia đối với quốc tế. Là trung tâm dịch vụ hậu cần hỗ trợ sân bay Long Thành; trung tâm logistics, kho vận, công nghiệp đa ngành, công nghiệp, công nghệ cao của vùng Đông Nam Bộ.
Phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Long Thành là toàn bộ địa giới hành chính huyện Long Thành với tổng diện tích tự nhiên 430,62 km2.
Dự báo, quy mô dân số đô thị Long Thành đến năm 2030 khoảng 340.000 đến 370.000 người và đến năm 2045 khoảng 480.000 – 500.000 người.
UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm bố trí kinh phí, phê duyệt tổng dự toán chi phí lập Đồ án quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045, đồng thời phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045 theo quy định.
Tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trình tự, thủ tục lập Đồ án quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045 về tính chính xác của các thông tin, số liệu, bản vẽ, hồ sơ bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045 và hướng dẫn tỉnh Đồng Nai trong quá trình tổ chức thực hiện lập đồ án quy hoạch.
Bộ Xây dựng nói gì về quy hoạch đô thị Long Thành
Đầu tháng 11/20-23, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Long Thành trên địa bàn tỉnh này.
Theo Bộ Xây dựng, đầu tháng 10 vừa qua, Bộ này đã nhận được Tờ trình của UBND tỉnh Đồng Nai về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 đô thị Long Thành đến năm 2045.
xem thêm:
Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch như sau:
Thứ nhất, rà soát, bổ sung, thể hiện rõ các yêu cầu theo Thông báo số 98 của Bộ Xây dựng, ý kiến của các thành viên Hội đồng tại Hội nghị thẩm định trong nội dung và hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch.
Thứ hai, tại Nghị quyết số 24 ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ định hướng phát triển Long Thành trở thành thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế; xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Nhiệm vụ quy hoạch xác định tính chất đô thị là trung tâm logistics, kho vận cấp vùng và quốc gia, cửa ngõ quốc tế; đầu mối giao lưu cấp vùng và liên vùng; dự báo quy mô dân số đến năm 2030 đạt 380.000 người, đến năm 2045 đạt 500.000 người (tương đương quy mô đô thị loại I thuộc tỉnh).
Về dự báo quy mô đất xây dựng đô thị, đến năm 2030, đất xây dựng đô thị là 19.960 – 20.400 ha, trong đó đất ngoài dân dụng khoảng 17.000 ha và đất dân dụng khoảng 2.960 – 3.040 ha ; Đến năm 2045, đất xây dựng đô thị 23.840 – 24.000 ha, trong đó đất ngoài dân dụng khoảng 20.000 ha và đất dân dụng khoảng 3.840 – 4.000 ha.
Do đó, cần nghiên cứu xác định mục tiêu phát triển đô thị Long Thành đến năm 2045 căn cứ theo nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết số 24, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phù hợp với vai trò, tính chất của đô thị đối với vùng Đông Nam Bộ, quốc gia.
Đồng thời, đề nghị luận cứ, sơ bộ dự báo quy mô dân số phù hợp với tiềm năng, động lực của khu vực và có tính khả thi. Trên cơ sở đó, dự báo nhu cầu sử dụng đất đô thị theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng.
Thứ ba, hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các tuyến đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu, Long Thành – Nhơn Trạch – Bến Lức đang được triển khai đầu tư xây dựng; các cảng trên sông Đồng Nai và sông Thị Vải đã được hình thành.
Do đó, Bộ Xây dựng yêu cầu hiện trạng sử dụng đất cần bổ sung làm rõ quy mô diện tích của hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đã được hình thành trên địa bàn huyện.
Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, Long Thành sẽ có 84 dự án khu dân cư, khu đô thị và tái định cư. Như vậy đến năm 2030, Long Thành sẽ có gần 4 ngàn ha đất ở của cả khu vực nông thôn lẫn đô thị, tăng gần 2.360ha so với giai đoạn trước.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, đô thị Long Thành có gì?
Trong báo cáo cuối kỳ quy hoạch tỉnh thời gian 2021-2030, Đô thị Long Thành được xác định có quy mô toàn huyện Long Thành, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Đồng Nai, có diện tích tự nhiên là 43.079 ha , bao gồm 15 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Long Thành và 14 xã: Bàu Cạn, Bình An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Long Đức, An Phước, Long Phước, Lộc An, Long An, Phước Bình, Phước Thái, Suối Trầu, Tân Hiệp, Tam An.
Cấu trúc không gian tổng thể lấy hạt nhân là sân bay Long Thành, hình thành các vành đai chức năng từ hạt nhân ra xung quanh. Với mức độ tiếp cận khác nhau hình thành 4 chức năng chính như sau:
Không gian tiếp giáp trực tiếp với sân bay Long Thành (mức độ 1): là khu vực chuyển tiếp giao thông công cộng, kho bãi, dịch vụ vận tải, MICE, du lịch…
Không gian tiếp giáp với sân bay Long Thành (mức độ 2): là khu vực trung tâm đô thị.
Không gian chịu ảnh hưởng của sân bay Long Thành (mức độ 3): hình thành các KCN và dân cư.
Không gian ít chịu tác động của sân bay (mức độ 4): phát triển không khu dân cư, nông nghiệp theo định hướng của địa phương.
Trong đó, đối với khu vực chính, tiếp giáp trực tiếp với sân Bay Long thành ở mức độ 1 được phân bố và định hướng như sau:
Khu vực 1: Tiếp giáp với Đông Nam sân bay Long Thành
Động lực: nằm tiếp giáp với cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu dự kiến vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp Biên Hòa; Cao Tốc Bến Lức – Long Thành vận chuyển hàng hóa Công Nghiệp và nông sản vùng Thành phố Hồ chí Minh; Tuyến 25C (theo QHC đô thị Nhơn trạch) kết nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm Nhơn Trạch trực tiếp với Sân Bay Long Thành thuận lợi cho việc vận chuyển hành khách lõi TP. Hồ Chí Minh với sân bay.
Định hướng: phát triển không gian kho bãi, dịch vụ vận tải, khu tự do và miễn thuế hải quan, Khu nhà hàng bán lẻ đồ đặc sản, các điểm du lịch văn hóa, khách sạn nghỉ ngơi cho khách, dịch vụ hội nghị hội thảo, sân golf…
Khu vực 2: Tiếp phía Tây Bắc Sân bay Long Thành
Động lực: khu vực này dự kiến là một trong những cửa ngõ tiếp giáp với sân bay Long Thành.
Định hướng: khu tự do và miễn thuế hải quan, Khu nhà hàng bán lẻ đồ đặc sản, các điểm du lịch văn hóa, khách sạn nghỉ ngơi cho khách, khu văn phòng kinh doanh, dịch vụ hội nghị hội thảo…
Khu vực 3: Nằm giáp phía Đông Nam sân bay Long Thành
Định hướng: hình thành khu vực hậu cần hàng không
Khu vực 4: Nằm tiếp với phía Đông Bắc Sân Bay
Động lực: Tiếp giáp với đường vành đai 4 vùng Đông Nam Bộ tạo điều kiện kết nối với các tuyến cao tốc: Dầu Giây – Phan Thiết, Dầu Giây – Đà Lạt;
Định hướng: phát triển không gian kho bãi, dịch vụ vận tải.
Đối với khu vực tiếp giáp với sân bay Long Thành ở mức độ 2 là không gian các đô thị : đô thị Long Thành, đô thị Bình Sơn, trung Tâm Sông Nhạn. Đây là khu vực phát triển đô thị có sự phát triển gắn kết với sân bay Long Thành.
Đô thị Long Thành : mở rộng về phía Đông Nam dọc theo hành lang QL51 và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tạo ra cự ly hợp lý cho việc kết nối với với sân bay, từ đó thuận lợi cho phát triển các chức năng mới phục vụ sân bay: thương mại, dịch vụ…
Đô thị Bình Sơn : hình thành khu vực lõi kết kết nối trực tiếp với lối ra sân bay, hình thành trung tâm thương mại – dịch vụ – tài chính.
Trung tâm Sông Nhạn : hình thành trung tâm dịch vụ đô thị tại giao lộ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Vành đai 4.