Mô tả quy hoạch
1. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch.
Vị trí: nằm trên QL1, cách trung tâm TP. Biên Hòa về phía Tây khoảng 24km và cách ngã tư Dầu Giây về phía Đông khoảng 20 Km. Đô thị Trảng Bom có vị trí gần như trung tâm của huyện Trảng Bom có các mặt tiếp cận như sau:
Phía Bắc giáp xã Bình Minh, Xã Sông Trầu
Phía Nam giáp Xã Quảng Tiến Xã Đồi 61, và tuyến đường sắt Bắc Nam
Phía Đông giáp xã Sông Trầu và Xã Đồi 61
Phía Tây giáp xã Bình Minh
Đô thị Trảng Bom nằm trên trục giao thông quan trọng của quốc gia là Quốc lộ 1A. Có mối tương quan và tác động qua lại giữa đô thị với các Khu cụm công nghiệp, khu dịch vụ – thương mại – du lịch trong vùng phạm vi huyện và tỉnh.
2. Phạm vi nghiên cứu mở rộng: Phạm vi nghiên cứu mở rộng bao gồm vùng tỉnh Đồng Nai và vùng huyện Trảng Bom.
Thông tin quy hoạch
Số quyết định:554/QĐ-UBND
Tỉnh/TP:Đồng Nai
Hồ sơ bản vẽ:
- Bản vẽ hiện trạng
- Bản vẽ định hướng phát triển không gian
- Bản vẽ Quy hoạch sử dụng đất
- Bản vẽ Quy hoạch giao thông
- Bản vẽ Tổng hợp đường dây, đường ống
Thuyết minh quy hoạch
QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ TRẢNG BOM,
HUYỆN TRẢNG BOM, TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN 2025
PHẦN 1 – mở đầu
1 SỰ CẦN THIẾT LẬP QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ TRẢNG BOM
1.1 Qui hoạch chung Trảng Bom 1993 không còn phù hợp trong giai đoạn phát triển mới
Đô thị Trảng Bom hiện nay là đô thị huyện lỵ huyện Trảng Bom – tỉnh Đồng Nai, nằm trên QL1A, cách trung tâm TP. Biên Hòa về phía Tây khoảng 24km và cách ngã tư Dầu Giây về phía Đông khoảng 20 Km. Đô thị Trảng Bom đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chung tại Quyết định số 4131/QĐ-UBT ngày 31/12/1993 với quy mô diện tích nghiên cứu là 300 ha.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch chung đô thị, UBND huyện đã lập một số QHCT tỷ lệ 1/500 như: QHCT khu vực dọc 2 bên QL1A, khu trung tâm đô thị, khu trung tâm thể dục thể thao, các khu dân cư (55 ha phía Bắc QL1A, khu nhà ở số 1 quốc lộ 1 .v.v.
Tuy nhiên, QHC đô thị Trảng Bom đã được lập và phê duyệt cách đây đã 19 năm, với tính chất chức năng là đô thị huyện lỵ, chủ yếu phát triển ngành dịch vụ, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và với dự báo phát triển dân số chủ yếu là phát triển tự nhiên, quy mô dự kiến đến năm 2015 khoảng 20.000 người, không đáp ứng được nhu cầu phát tiển trong tình hình mới với nhiều thay đổi và biến động nên QHC năm 1993 không còn phù hợp để áp dụng trong thực tế.
Qua thời gian thực hiện quy hoạch ở Trảng Bom, đã có nhiều biến động về phát triển kinh tế xã hội và thực tế xây dựng, cần phải điều chỉnh một số khu vực chức năng như các công trình phúc lợi, dân sinh, thương mại dịch vụ, công nghiệp và các khu ở mới trong đô thị và ngoài đô thị. Điều chỉnh một số tuyến đường, lộ giới phù hợp với hiện trạng và định hướng phát triển của quy hoạch giao thông trên địa bàn đô thị và nhất là điều chỉnh định hướng phát triển không gian của đô thị theo các trục, khu vực kinh tế phát triển để đáp ứng được nhu cầu phát triển Trảng Bom.
1.2 Yêu cầu gắn kết với định hướng quy hoạch vùng TPHCM và quy hoạch vùng tỉnh Đồng Nai
Trong những năm gần đây, Vùng Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng tỉnh Đồng Nai có những định hướng phát triển mới mà trong đó Trảng Bom là một bộ phận của những định hướng ấy nên cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với định hướng cả vùng. Nhu cầu xây dựng các khu chức năng có vai trò cấp vùng, khu trung tâm hành chánh-thương mại dịch vụ của đô thị, khu công nghiệp, tổng kho trung chuyển… là các động lực chính để phát triển Đô thị Trảng Bom.
1.3 Yêu cầu mở rộng không gian kinh tế xã hội của Trảng Bom trong giai đoạn phát triển mới
Đô thị Trảng Bom có mối quan hệ gắn bó với Khu công nghiệp Bàu Xéo, Khu công nghiệp Giang Điền, Khu du lịch sinh thái thác Giang Điền, sân Golf Đồng Nai và trong tương lai là Khu tổng kho miền Đông nam Bộ. Các mối quan hệ này có sự tác động mạnh đến cơ cấu kinh tế xã hội của đô thị hiện nay, làm thay đổi quy mô dân số và yêu cầu định hướng phát triển mới cho không gian đô thị.
1.4 Tác động của các dự án phát triển ngành lên định hướng phát triển không gian của Trảng Bom
Theo chương trình phát triển các khu – cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hiện nay huyện Trảng Bom đã hình thành các KCN đi vào họat động như Bàu Xéo, Sông Mây, Hố Nai, Giang Điền. Đối với cụm công nghiệp, đã và đang hình thành 07 cụm: Hưng Thịnh, An Viễn, Sông Thao, Thanh Bình, Suối Sao, A – Hố Nai.
Các dự án phát triển hạ tầng cấp vùng như tuyến đường QL 1A tránh TP Biên Hòa, tuyến đường sắt mới và ga đường sắt gắn với dư án tổng kho miền Đông nam Bộ.
1.5 Thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu
Việt Nam được dự báo sẽ bị tác động mạnh bởi hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Để giảm thiểu những ảnh hưởng đó, đô thị cần có những ứng xử cũng như biến đổi về hình thái để thích nghi với biến đổi khí hậu, tạo ra môi trường sống tốt và bền vững cho người dân.
1.6 Kết luận
Vì các lý do trên, cần thiết phải tiến hành lập Quy hoạch chung đô thị Trảng Bom.
2 CÁC CĂN CỨ THIẾT KẾ QUY HOẠCH
2.1 Cơ sở pháp lý
· Luật Quy hoạch Đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009 của Quốc Hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010.
· Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2004.
· Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị
· Nghị định 38/2010/NĐ-CP ngày 07/04/2010 của Chính Phủ về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị.
· Nghị định 39/2010/NĐ-CP ngày 07/04/2010 của Chính phủ về Quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị.
· Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 7/5/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị.
· Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11/8/2010 của Bộ Xây dựng quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị.
· Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng được ban hành theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/04/2008 của Bộ trưởng Bộ xây dựng.
· Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/04/2009 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
· Quyết định số 589/QĐ – TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050;
Quyết định số 73/2008/QĐ – TTg ngày 4/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020;Quyết định
số 4131/QĐ-UBT ngày 31/12/1993 của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch đô thị.
Quy Hoạch Chung Đô thị Trảng Bom thực hiện 1993 của Công Ty Tư Vấn Xây Dựng Tổng Hợp
QĐ số 6219/QĐ-UBT ngày 31/12/1996 của UBND tỉnh Đồng Nai.
Quyết Định số 5633/QĐ.CT.UBND ngày 22/12/2005 về việc phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Đô thị Trảng Bom .
Quyết Định số 4367/QĐ-UBND ngày 19/12/2008 về việc phê duyệt điều chỉnh Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Đô thị Trảng Bom .
Hợp đồng số 1306/HĐKT-QH ngày 09/03/2006 giữa Phân viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn & Phòng Công thương Huyện Trảng Bom – Tỉnh Đồng Nai .
2.2 Các cơ sở nghiên cứu
Quy hoạch vùng TPHCM đến 2020 và tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt tại Quyết định 589/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính Phù
Quy hoạch vùng Tỉnh Đồng Nai đến 2030
Quy Hoạch Tổng Thể Phát Triển Kinh Tế – xã hội Huyện Trảng Bom đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, được UBNN tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số 27/2006/QĐ-UBND ngày 21/03/2006.
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 Đô thị Trảng Bom, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-UBND ngày 07/05/2007.
Các dự án quy hoạch chi tiết trên địa bàn đô thị.
Niên giám thống kê năm 2006 – huyện Trảng Bom.
Bản đồ sử dụng đất của Sở Tài nguyên Môi trường
Bản đồ giải thửa Đô thị Trảng Bom
Các tài liệu kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai, Đô thị Trảng Bom từ năm 1993 đến 2006
Các số liệu điều tra cơ bản về kinh tế – văn hóa xã hội, kỹ thuật và các văn bản khác có liên quan phục vụ việc nghiên cứu.
3 MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỦA ĐỒ ÁN
3.1 Mục tiêu nghiên cứu
Cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng của tỉnh Đồng Nai và huyện Trảng Bom.
Xác định rõ vị trí, tính chất, vai trò chức năng của Đô thị Trảng Bom trong Vùng tỉnh Đồng Nai và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tạo cơ sở pháp lý, định hướng cho các quy hoạch chi tiết của đô thị và việc chuẩn bị đầu tư, kêu gọi đầu tư, dự án đầu tư, quản lý xây dựng và xây dựng trên địa bàn đô thị Trảng Bom sau này.
3.2 Nhiệm vụ
Phân tích đánh giá hiện trạng phát triển của đô thị Trảng Bom
Phân tích đánh giá các quy hoạch đã được phê duyệt, và công tác thực hiện quy hoạch đầu tư phát triển đô thị của địa phương
Xác định tiềm năng, động lực phát triển đô thị, xác định tính chất, và các dự báo quy mô dân số lao động và quy mô đất đai xây dựng đô thị; các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu cho các giai đoạn phát triển đô thị ngắn hạn đến 2015, dài hạn đến 2025
Đề xuất cấu trúc không gian đô thị
Đề xuất định hướng phát triển không gian đô thị Trảng Bom trong mối quan hệ vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa.
Quy hoạch sử dụng đất toàn đô thị theo các giai đoạn phát triển
Đề xuất định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị Trảng Bom
Đề xuất định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật;
Dự kiến những hạng mục ưu tiên và nguồn lực thực hiện
Đánh giá tác động môi trường chiến lược và đề xuất giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường.
4 RANH GIỚI VÀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH
4.1 Phạm vi nghiên cứu mở rộng:
Phạm vi nghiên cứu mở rộng trong vùng TPHCM
Phạm vi nghiên cứu mở rộng trong vùng Đồng Nai:
Phạm vi nghiên cứu mở rộng trong vùng thành phố Biên Hòa:
4.2 Phạm vi nghiên cứu quy hoạch trực tiếp
Giai đoạn nghiên cứu
Giai đoạn ngắn hạn: đến 2015
Giai đoạn dài hạn: đến 2025
PHẦN 2 – PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ HIỆN TRẠNG
1 ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
1.1 Vị trí địa lý
Đô thị Trảng Bom là đô thị huyện lỵ huyện Trảng Bom – tỉnh Đồng Nai, nằm trên QL1, cách trung tâm TP. Biên Hòa về phía Tây khoảng 24km và cách ngã tư Dầu Giây về phía Đông khoảng 20 Km.
Đô thị Trảng Bom có vị trí gần như trung tâm của huyện Trảng Bom có các mặt tiếp cận như sau:
Phía Bắc giáp xã Bình Minh, Xã Sông Trầu
Phía Nam giáp Xã Quảng Tiến Xã Đồi 61, và tuyến đường sắt Bắc Nam
Phía Đông giáp xã Sông Trầu và Xã Đồi 61
Phía Tây giáp xã Bình Minh
Đô thị Trảng Bom nằm trên trục giao thông quan trọng của quốc gia là Quốc lộ 1A. Có mối tương quan và tác động qua lại giữa đô thị với các Khu cụm công nghiệp, khu dịch vụ – thương mại – du lịch trong vùng phạm vi huyện và tỉnh.
1.2 Khí hậu
Khu vực đô thị Trảng Bom – Huyện Trảng Bom – Tỉnh Đồng Nai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có đặc điểm giống khí hậu của phần lớn các địa phương thuộc Tỉnh Đồng Nai với 2 mùa tương phản nhau rõ rệt trong năm: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11; Mùa khô từ tháng 12 đến tháng tháng 4 năm sau.
Nhiệt độ: Trung bình năm là 27oC
Tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 5 : 38oC.
Tháng có nhiệt độ thấp nhất là tháng 12 : 15oC.
Độ ẩm: Biến thiên theo mùa, độ ẩm trung bình năm 77%
Chế độ mưa: Lượng mưa trung bình hàng năm là 1958mm/năm, tập trung vào các tháng 6, 7, 8, 9, 10, số ngày mưa bình quân hàng năm là 159 ngày.
Lượng mưa cao nhất là 2318mm/năm.
Lượng mưa thấp nhất là 1392mm/năm.
Chế độ gió:
Hướng gió chủ yếu là hướng Đông Nam và Tây Nam. Đi kèm theo hai mùa khô và mưa.
Gió thịnh hành trong mùa khô là gió Đông Nam có tần suất 30 – 40%.
Gió thịnh hành trong mùa mưa là gió Tây Nam tần suất 66%, tốc độ gió trung bình là 10 ¸ 15m/s mạnh nhất 22,6m/s. Khu vực ít chịu ảnh hưởng của bão, nhưng thường xảy ra các hiện tượng giông giật và lũ quét.
1.3 Địa hình, địa mạo, địa chất
Địa hình khu vực thiết kế cao ở hướng Nam (Cao độ lớn nhất 61.00m ) thấp dần về hướng Tây Bắc (Cao độ nhỏ nhất 30.00m ). Đối với khu trung tâm hiện hữu địa hình tương đối bằng phẳng, cao độ biến đối trong khoảng 54.00m – 59.00m. Địa hình liên tục không bị chia cắt nên thuận lợi để phát triển mọi lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng và phát triển đô thị cũng như các công trình công nghiệp.
1.4 Địa chất thủy văn
Chưa có số liệu thăm dò, khảo sát, nhưng Trảng Bom có chung kết cấu địa tầng của vùng Đông Nam Bộ, nền đất ổn định và sức chịu nén tương đối cao. Tuy nhiên hệ số kết dính thấp dễ bị xói mòn.
Thành phần đất chủ yếu là cát pha sét có cường độ chịu nén của đất > 1,5 Kg/cm2, thuận lợi làm đất xây dựng.
Tại phía Tây bắc đô thị Trảng Bom có hồ Sông Mây cung cấp nước sản xuất và có một số mương suối nhỏ khác.
1.5 Đặc điểm tài nguyên
a. Tài nguyên nước
Do có địa hình cao, lại không có sông chảy qua địa bàn nên nguồn nước mặt rất hạn chế. Khu vực phía Bắc giáp hồ Sông Mây nhưng bị ngăn cách bởi địa hình khu vực sân golf (địa hình cao khoảng 50 m, dốc thoải) nên không có khả năng dẫn nước cung cấp cho sản xuất sinh hoạt. Khu vực phía Tây Nam giáp xã Bình Minh (khu câu cá giải trí) có nước quanh năm nhưng do có địa hình thấp so với khu vực (khoảng 36 m) nên chỉ có thể cung cấp nước trong phạm vi nhỏ gần nguồn nước.
Nguồn nước ngầm phân bố khá đều trên toàn địa bàn , đô cao nguồn nước thay đỏi từ 14 -40 m. Ở đô sâu này, nguồn nước có chất lượng tốt, trữ lượng có thể đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn đô thị thì nguồn nước ngầm ở độ sâu từ 40 -70 m bị nhiễm phèn nặng không thể dùng trong sinh hoạt. Như vậy, có thể nói nguồn nước ngầm là nguồn nước bị hạn chế, nên trong khai thác cần phải có kế hoạch khai thác hợp lý nhằm mang lại hiệu quả cao.
b. Tài nguyên đất
Trên địa bàn có một nhóm đất chính là đất xám trên phù sa cổ. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, hàm lượng mùn ở tầng mặt nước trung bình (đạt khoảng 3 -3,5%); đạm tổng số thấp (0,11%), lân tổng số trung bình (0,07%) và nghèo kali tổng số (0,03%). Nhìn chung, chất lượng đất trên địa bàn không tốt đối với sản xuất nông nghiệp. Nhưng do được phân bố ở địa hình bằng phẳng, có nền địa chất ổn định nên rất thích hợp trong việc xây dựng các công trình, có thể phát triển đô thị, công nghiệp và các công trình vui chơi giải trí,…
Tài nguyên rừng
Hiện trên địa bàn đô thị diện tích rừng còn 82,11 ha. Trong đó rừng trồng đặc dụng còn 13,99 ha, rừng trồng sản xuất còn 68,12 ha.
1.6 Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên
Ưu điểm
Trảng Bom có vị trí chiến lược, có các đầu mối giao thông đường bộ và đường sắt quốc gia, gần các khu công nghiệp lớn và các thành phố lớn TPHCM và Biên Hòa.
Địa hình tương đối bằng phẳng, không bị chia cắt, nền đất cao ổn định nên thuận lợi xây dựng và phát triển đô thị, ít bị đe dọa bởi ngập trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Nguồn nước ngầm phân bố đều trên địa bàn có chất lượng tốt, trữ lượng có thể đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất .
Trên địa bàn còn diện tích rừng đóng vai trò là lá phổi xanh của đô thị
Gần khu vực cảnh quan đẹp: hồ Sông Mây
Nhược điểm
Hạn chế về nguồn nước
Chịu tác động của biến đổi khí hậu
2 HIỆN TRẠNG KINH TẾ VÀ XÃ HỘI
2.1 Hiện trạng kinh tế
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của Tỉnh và Huyện, nền kinh tế trên địa bàn đô thị phát triển với tốc độ khá cao. Hiện đô thị đã và đang đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở tiềm năng thế mạnh sẵn có. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh giá trị ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ – thương mại. Ngành công nghiệp xây dựng tăng dần qua các năm.
2.1.1 Tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ
Với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị của huyện, đô thị Trảng Bom có tiềm năng phát triển mạnh về thương mại – dịch vụ so với các xã khác trong huyện, nhất là khu vực phí Nam QL 1A (khu phố 4 và 5) với các hộ kinh doanh quán ăn, giải khát, dịch vụ vi tính, điện thoại, bán hàng gia dụng,… đến năm 2005 đã phát triển hơn 100 hộ sản xuất kinh doanh. Cho đến 2005, tổng số hộ sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp – thương mại dịch vụ trên địa bàn là 965 hộ tăng 15 % so với 2004, trong đó sản xuất tiểu thủ công nghiệp là 59 hộ chủ yếu là gia công sắt, nhôm gia dụng, làm đồ gỗ, may mặc….
2.1.2 Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Diện tích đất trồng trọt trên địa bàn đô thị đã thu hẹp đáng kể trong những năm qua. Trong đó hoạt động canh tác nhiều loại cây đã không còn như các loại cây lương thực có hạt (lúa, bắp), đậu, mía, cà phê. Một số cây trồng chính trên địa bàn đô thị hiện nay là: điều, chôm chôm, mỳ.
Chăn nuôi
Hiện nay trên địa bàn đô thị, chăn nuôi phát triển chủ yếu vẫn là chăn nuôi cá thể theo kiểu hộ gia đình với các loại vật nuôi chủ yếu như: trâu, bò, heo. Tuy nhiên, số lượng quy mô đàn gia súc cũng gia cầm trên địa bàn đô thị đã giảm đáng kể trong những năm qua. Số hộ chăn nuôi heo giảm từ 658 hộ năm 2005 xuống còn 270 hộ năm 2010, với số đầu heo giảm đáng kể từ 19,500 con xuống gần 8 lần còn 2,567 con. Về đàn bò, số lượng con tăng từ 150 năm 2005 lên gấp đôi 320 con năm 2010. Về đàn gia cầm và đàn trâu thì hầu như không còn.
2.2 Hiện trạng dân số – lao động
2.2.2 Hiện trạng dân số
Tính đến năm 2010, đô thị Trảng Bom có tổng số 20.244 người với 5.446 hộ, tăng hơn 5.000 người so với 2005, chiếm 7,89 % so với tổng dân số toàn huyện Trảng Bom. Mật độ dân số toàn đô thị là 2.174,81 người/km là nơi có mật độ cao nhất trong toàn huyện.
Tỷ lệ tăng dân số: 1,37 %. Tỷ lệ tăng dân số đang có chiều hướng không ổn định (năm 2002 là 1,04%, năm 2003 là 1,15% và năm 2004 là 1,11%) và thấp hơn tỷ lệ tăng dân số của huyện là 1,58%. Với một đô thị trung tâm huyện thì tỷ lệ tăng dân số cơ học trong những năm gần nay liên tục tăng, đây cũng là vấn đề cần quan tâm trong phát triển kinh tế xã hội của đô thị.
Đối với khu vực mở rộng về phía 2 xã Sông Trầu và Quảng Tiến dân số hiện trạng là khoảng 19.000-20.000 dân. Như vậy toàn bộ khu vực nghiên cứu sẽ có khoảng 40.200 dân.
2.2.2 Hiện trạng lao động
Tổng số lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 57% tổng số dân, tức là khoảng 23.000 người
2.3 Đánh giá chung về điều kiện kinh tế – xã hội
2.3.1 Điểm mạnh
Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch đúng hướng trên cơ sở tiềm năng thế mạnh sẵn có, theo hướng tăng nhanh giá trị ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ – thương mại.
Với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị của huyện, đô thị Trảng Bom có tiềm năng phát triển mạnh về thương mại – dịch vụ so với các xã khác trong huyện.
Với vị trí cửa ngõ của thành phố Biên Hòa, Trảng Bom có khả năng chia sẻ các chức năng cấp vùng với thành phố Biên Hoà.
Tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao.
2.3.2 Điểm yếu
Thương mại – dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ.
Tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là gia công, sản phẩm có giá trị gia tăng không cao.
3 HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT
3.1 Hiện trạng sử dụng đất:
Tổng diện tích trong ranh hành chính hiện nay của đô thị Trảng Bom là 930,84 ha. Tuy nhiên, theo phạm vi quy hoạch đến 2025, đô thị sẽ được mở rộng thêm phần lớn về hướng Đồng Bắc (xã Sông Trầu) và 1 phần về phía Đông Nam (xã Đồi 61) và Tây Nam (xã Quảng Tiến) với diện tích tăng thêm là 640,46 ha. Khi đó tổng diện tích của đô thị sẽ là 1571,30 ha bao gồm các loại đất chính như sau:
3.1.1 Đất xây dựng đô thị
Tổng diện tích đất xây dựng đô thị của đô thị là 428,78 ha chiếm 27,29 % tổng diện tích đất tự nhiên của đô thị, bao gồm đất dân dụng và đất ngoài dân dụng.
3.1.2 Đất dân dụng
Diện tích đất dân dụng đô thị đô thị Trảng Bom hiện nay đạt 251,80 ha chiếm 16,02% tổng diện tích đất tự nhiên. Tỉ lệ các loại đất trong dân dụng được biểu diễn trong biểu đồ dưới đây:
Trong đó:
Đất ở đô thị là 157,87 ha. Đây là diện tích đất ở trên địa bàn 5 ấp trong ranh đô thị hiện hữu. Bình quân đất ở đô thị trên đầu người là 78 m²/người. Chủ yếu tập trung dọc theo quốc lộ 1A, các đường phố nội thị, các trục lộ chính, các đường liên ấp và các khu dân cư.
Đất công trình công cộng chiếm 28,43 ha, bao gồm các loại đất được trình bày trong biểu đồ dưới đây:
Đất trụ sở cơ quan:Diện tích 12,71 ha chủ yếu tập trung tại trung tâm đô thị. Chủ yếu bố trí xây dựng các cơ quan, đoàn thể của huyện và đô thị như trụ sở UBND huyện, huyện uỷ, khối dân vận, hạt kiểm lâm, UBND đô thị… chỉ có 0,14 ha ngoài ranh giới hiện hữu là diện tích trụ sở UBND xã Quảng Tiến.
Đất an ninh:7,13 ha là diện tích trụ sở công an huyện, trụ sơ công an phòng cháy, chữa cháy tỉnh với tổng diện tích 5,45 ha và trại giam 2,67 ha.
Đất công trình công công khác (y tế, giáo dục): 8,59 ha.
· Đất thương mại dịch vụ 32,38 ha bao gồm các cơ sở thương mại dịch vụ nhỏ lẻ và các chợ như chợ Quảng Biên, chợ Trảng Bom,…
· Đất tôn giáo tín ngưỡng 4,52 ha
· Đất công viên cây xanh- Văn hoá – Thể dục thể thao: 8,58 ha
· Đất giao thông đô thị: 20,02 ha
3.1.3 Đất ngoài dân dụng
Tổng diện tích đất ngoài dân dụng là 176,98 ha. Tỉ lệ các loại đất
Đất quốc phòngcó diện tích 1,37 ha. Đây là trụ sở ban chỉ huy quân sự huyện Trảng Bom.
Đất công nghiệp: 0,83 ha là diện tích đất của Xí nghiệp may Đồng Tiến.
Đất nghĩa trang: 5,14 ha. Trong đó có Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trảng Bom nằm ngay mặt tiền QL1A thuộc khu phố 3.
Đất Giao thông đối ngoại: 6 ha
Đất cây xanh cách ly: 2 ha
Đất sân golf: 160 ha
3.1.4 Đất khác
a. Đất ở nông thôn
Tổng diện tích đất ở nông thôn là 480,27 ha, chủ yếu tập trung ở các khu vực mở rộng đô thị thuộc xã Đồi 61, xã Sông Trầu, xã Quảng Tiến.
b. Đất nông lâm nghiệp
Đất nông lâm nghiệp trong ranh đô thị hiện hữu là 431,16 ha, tính trong ranh mở rộng tăng lên 578,18 ha (tăng thêm 147,12 ha: chủ yếu là diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm).
Trong đó: Đất nông nghiệp
Đất trồng cây lâu năm: 442,69 ha. Trong đó, cây công nghiệp lâu năm (cao su, điều,), cây ăn quả (chôm chôm) là cây trồng chủ lực của ngành trồng trọt.
Đất nuôi trồng thuỷ sản: 41,33 ha, chủ yếu nuôi cá nước ngọt, phục vụ khách du lịch câu cá giải trí.
Đất lâm nghiệp
Đất rừng đặc dụng: 6,99 ha, là phần diện tích Trung tâm Thực nghiệm Lâm sinh.
Đất rừng sản xuất: 69,41 ha.
c. Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng: 41,50 ha
3.2 Đánh giá chung
Điểm mạnh
Việc mở rộng diện tích thêm 640 ha bao gồm 1 phần xã Sông Trầu, 1 phần xã Đồi 61 và 1 phần xã Quảng Tiến giúp đô thị tăng quỹ đất để phát triển đô thị.
Quỹ đất dự trữ phát triển còn khá lớn, đất nông – lâm nghiệp chiếm gần 40 % diện tích tự nhiên, trong đó chủ yếu là diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm, được phân bố chủ yếu ở phía Đông và Tây Bắc đô thị. Ngoài ra diện tích đất nông nghiệp còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chống xói mòn đất, điều hòa không khí, tạo cảnh quan môi trường,…
Điểm yếu
Đất chưa sử dụng còn khá ít. Như vậy, việc sử dụng đất cho việc xây dựng phát triển đô thị sẽ phải chuyển đổi chức năng từ các loại đất khác (nông nghiệp, lâm nghiệp).