Theo kế hoạch, nhà ga sân bay Long Thành, đường lăn, bãi đỗ sẽ đồng loạt khởi công trong tháng 8 tới. Dự kiến năm 2025 sân bay Long Thành sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1.
Hiện nay, các tuyến đường kết nối từ sân bay đến TPHCM và các trung tâm kinh tế phía Nam đã quá tải, trong khi những dự án giao thông mới vẫn đang loay hoay, chậm tiến độ, rất khó kịp hoàn thành trong năm 2025.
Chính điều đó, hệ thống giao thông kết nối với “trái tim” sân bay Long Thành thực sự đang là nỗi lo lớn của người dân, du khách và doanh nghiệp. Nếu hệ thống giao thông kết nối vẫn chậm, sân bay Long Thành trở thành nút thắt cổ chai, ảnh hưởng rất lớn đến vai trò, hiệu quả thúc đẩy kinh tế khi sân bay đưa vào hoạt động.
Theo kế hoạch, nhà ga sân bay Long Thành, đường lăn, bãi đỗ sẽ đồng loạt khởi công trong tháng 8 tới. Dự kiến năm 2025 sân bay Long Thành sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1.
Hiện nay, các tuyến đường kết nối từ sân bay đến TPHCM và các trung tâm kinh tế phía Nam đã quá tải, trong khi những dự án giao thông mới vẫn đang loay hoay, chậm tiến độ, rất khó kịp hoàn thành trong năm 2025.
Chính điều đó, hệ thống giao thông kết nối với “trái tim” sân bay Long Thành thực sự đang là nỗi lo lớn của người dân, du khách và doanh nghiệp. Nếu hệ thống giao thông kết nối vẫn chậm, sân bay Long Thành trở thành nút thắt cổ chai, ảnh hưởng rất lớn đến vai trò, hiệu quả thúc đẩy kinh tế khi sân bay đưa vào hoạt động.
Giữa tháng 7, anh Lê Văn Ri (ngụ đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TPHCM) tranh thủ ngày cuối tuần đưa gia đình đi nghỉ dưỡng tại khu du lịch Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu). Đoạn đường từ nhà quận Tân Bình đến nút giao An Phú (TP Thủ Đức) cơ bản thuận lợi.
Tuy nhiên đoạn cao tốc từ An Phú đến cầu vượt Long Thành, nút giao quốc lộ 51 thực sự là một cơn ác mộng với anh Ri.
Tình hình ùn tắc cao tốc càng nghiêm trọng từ khi cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Vĩnh Hảo – Phan Thiết đưa vào khai thác. Không chỉ lượng xe đi Vũng Tàu, Phan Thiết, lượng xe đi các tỉnh miền Trung tăng lên khiến tuyến cao tốc 4 làn đường quá tải nghiêm trọng.
“Từ nút giao An Phú đi Long Thành cảm giác chạy xe rất mệt mỏi. Dù là đi cao tốc mà xe chạy rất chậm, các xe đều đi tốc độ rùa bò. Nhiều xe lấn làn, vượt luôn cả làn dừng khẩn cấp nhưng vẫn ùn tắc. Đi quãng đường hơn 20km mà mất hơn 2 giờ”, anh Ri chia sẻ.
Đồng quan điểm với anh Ri, nhiều tài xế xe du lịch ám ảnh mỗi chiều cuối tuần từ nút giao Long Thành về TPHCM. Anh Phan Thành (ngụ quận 7, TPHCM), cho biết, do lượng xe của người dân đi du lịch Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang về rất đông cùng xe trên tuyến Bắc – Nam nên cao tốc Long Thành – TPHCM ùn tắc kéo dài.
Nhiều ngày, Đội tuần tra số 6, Phòng 8, Cục CSGT phải chặn đường tạm thời lối lên quốc lộ 51 với cao tốc để điều tiết xe ùn ứ trên cao tốc. Chưa kể khi cao tốc có sự cố, tình trạng kẹt xe kéo dài trên cao tốc là chuyện thường xuyên.
“Cao tốc TPHCM – Long Thành chỉ có 4 làn đường, rất hẹp và bất tiện. Dự án mở rộng đã có nhưng chưa biết khi nào triển khai. Có tuần xe tôi đi từ Long Thành về An Phú mất hơn 3 giờ. Những ngày mưa lớn hay cao tốc có sự cố, thì tình hình ùn tắc còn kéo dài hơn”, anh Thành nói.
Nếu người dân TPHCM có dịp qua lại tuyến đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đã quá quen thuộc với tình trạng “thấp tốc”. Kẹt xe và ùn tắc thường xảy ra vào giờ cao điểm, đặc biệt chỉ cần xảy ra sự cố va quẹt nào đó thì sẽ ùn ứ kéo dài hàng chục km, nhiều thời gian.
Theo Bộ GTVT, dự án đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây giai đoạn 1 với 4 làn xe đưa vào khai thác từ năm 2016. Đến nay, lượng xe tăng trung bình khoảng 10,45%/năm; riêng đoạn TPHCM – Long Thành dài gần 21km, phương tiện lưu thông vượt 25% so với năng lực thông hành của tuyến đường.
Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết, dự báo khi dự án sân bay Long Thành hoàn thành, có khoảng 80% lưu lượng hành khách quốc tế đi và đến sân bay có nhu cầu đến TPHCM và ngược lại. Do vậy, việc hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành với TPHCM là rất cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh các tuyến giao thông kết nối từ sân bay đến TPHCM đang quá tải nghiêm trọng.
Tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, khai thác, là tuyến đường bộ chính kết nối sân bay Long Thành với TPHCM.
Trên cơ sở đề xuất của VEC và ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng tuyến này. Do đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao đường Vành đai 2 đã bàn giao cho UBND TPHCM quản lý, vận hành khai thác và bảo trì, nên VEC chỉ tập trung nghiên cứu mở rộng đoạn từ nút giao đường Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Theo đó, quy mô tuyến đường từ 8-10 làn xe, VEC tự huy động vốn để đầu tư mở rộng, vận hành, khai thác và thu phí để hoàn vốn đầu tư. Phương án này đang trong giai đoạn “nghiên cứu”.
Mới đây, trước tình trạng quá tải của tuyến đường này, Bộ GTVT đồng ý mở rộng 24km từ nút giao An Phú đến huyện Long Thành lên 8 làn xe vào năm 2025, nguồn vốn hơn 9.800 tỷ đồng. Sau năm 2040, đoạn này sẽ được mở rộng lên 10 làn xe. Riêng 31km từ Long Thành đi Dầu Giây sẽ giữ nguyên quy mô 4 làn xe vì có thể đáp ứng nhu cầu lưu thông đến năm 2040.
Ngoài tuyến cao tốc chính TPHCM – Long Thành kết nối sân bay Long Thành với TPHCM, Bộ GTVT đang triển khai hàng loạt dự án cao tốc, đường sắt, metro…
Trong đó, dự án cao tốc Long Thành – Bến Lức có chiến lược quan trọng trong việc kết nối sân bay Long Thành với TPHCM và các tỉnh miền Tây đã được khởi công từ tháng 7/2014, dài 47 km, đi qua các tỉnh Long An, TPHCM và Đồng Nai với tổng mức đầu tư 31.000 tỷ đồng.
Đây là cao tốc lớn nhất miền Nam, kế hoạch thông xe ban đầu vào cuối năm 2018, nhưng đến nay chỉ đạt 80% khối lượng do thiếu vốn và vướng mặt bằng. Sau hơn 2 năm dừng, tháng 6 vừa qua, các gói thầu bắt đầu thi công trở lại. Dự kiến cuối năm 2024 dự án hoàn thành, đưa vào vận hành. Cao tốc hoàn thành sẽ giảm tải cho cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.
Ngoài ra, ngày 18/6 vừa qua, Bộ GTVT tiếp tục khởi công tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với tổng chiều dài 69km, gồm gần 60km từ Biên Hòa đến Vũng Vằn và 9km đường nhánh nối vào cảng Cái Mép – Thị Vải.
Tổng kinh phí dự án khoảng gần 23.700 tỷ đồng. Trong đó, mức đầu tư tuyến đường qua Đồng Nai gần 13.000 tỷ đồng, đoạn Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 10.700 tỷ đồng. Khi hoàn thành, cao tốc có 6 làn xe (giai đoạn một xây 4 làn) và thời gian thu phí 23 năm.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ giải tỏa áp lực cho quốc lộ 51, kết nối sân bay Long Thành đi TP Biên Hòa và TP Vũng Tàu. Hiện, tuyến đường huyết mạch quốc lộ 51 nối Vũng Tàu, Đồng Nai, TPHCM thường xảy ra ùn tắc. Trong tương lai khi hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải tăng công suất khai thác (hiện 40%), tình trạng này sẽ trầm trọng hơn.
Một tuyến giao thông cực kỳ quan trọng kết nối trung tâm TPHCM với sân bay Long Thành chính là tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.
Chia sẻ về tuyến giao thông này, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, mong muốn các tỉnh Đông Nam Bộ thống nhất tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành. Bộ GTVT đang nghiên cứu dự án đường sắt này nhưng việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP hoặc nguồn vốn ODA sẽ rất lâu. Với bài học của tuyến vành đai 3 TPHCM, các địa phương có thể ưu tiên vốn đầu tư công để đầu tư dự án này.
Ngày 14/7 vừa qua, ACV phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức khởi công xây dựng công trình Hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 (T1) và tuyến số 2 (T2) của dự án thành phần 3. Dự án với tổng kinh phí hơn 2.630 tỷ đồng, được thực hiện trong 28 tháng.
Tuyến T1 dài 4km có quy mô từ 6 đến 8 làn xe, nối từ phía Tây sân bay Long Thành với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Tuyến T2 dài 3,5km, quy mô 4 làn xe, kết nối sân bay với đường cao tốc TPHCM – Long Thành. Theo ACV, tuyến T1 cũng là đường công vụ phục vụ quá trình xây dựng sân bay nên được ưu tiên làm trước.
Tính đến giữa tháng 7, công tác giải phóng mặt bằng của tuyến T1 đã đạt 75%, còn tuyến T2 vẫn chưa triển khai được do gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết, khó khăn hiện nay là giải quyết chính sách đối với các trường hợp đồng sử dụng đất. Huyện đã cung cấp danh sách 53 trường hợp đồng sử dụng đất trong khu vực dự án và toàn bộ hồ sơ cho Ban Quản lý bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư của tỉnh.
Riêng đối với tuyến T2, UBND xã Long An (huyện Long Thành) đang xác nhận nguồn gốc đất, sau đó sẽ tổng hợp và báo cáo Sở Tài nguyên – Môi trường. Đợt 1 sẽ thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 291 trường hợp, với số tiền hơn 488 tỷ đồng.
Đối với tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (chạy song hành với quốc lộ 51) đi qua tỉnh Đồng Nai tổng chiều dài 53,7km, tỉnh sẽ thu hồi khoảng 138ha đất từ 1.557 hộ dân.
Mặc dù dự án đã tổ chức khởi công, lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2026 nhưng hiện nay vẫn loay hoay với việc đền bù. UBND TP Biên Hòa đã ban hành thông báo thu hồi đất và phê duyệt kế hoạch khảo sát đo đạc, kiểm đếm; ban giải phóng mặt bằng đã phối hợp chính quyền phường Tam Phước, Phước Tân để họp dân, công bố thông báo thu hồi đất và bồi thường. Riêng tại huyện Long Thành (Đồng Nai), do nhiều hồ sơ sai sót nên chưa đủ điều kiện để thu hồi đất.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đang yêu cầu UBND TP Biên Hòa nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc thẩm định, phê duyệt các khu tái định cư, vì làm chậm trễ, ảnh hưởng tới dự án; đồng thời đã báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành về việc bố trí tái định cư dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Với tiến độ hiện nay, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu khó hoàn thành theo kịp tiến độ của dự án sân bay Long Thành.
Về dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đi qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng tại TP Bà Rịa đã cơ bản hoàn thiện. Thị xã Phú Mỹ, nơi có đông đúc dân cư, cũng đã đạt khoảng 70% và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, sân bay Long Thành chính là trung tâm để xây dựng hệ thống giao thông kết nối với các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trong quy hoạch điều chỉnh giao thông của tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, 4 tuyến đường ĐT.780B; ĐT.773B; ĐT.789B; ĐT.763B được đề xuất mở mới, mở rộng và nâng cấp đều lấy sân bay Long Thành làm trung tâm.
Theo đó, tỉnh đã quy hoạch mở mới 4 tuyến đường kết nối các huyện đến khu vực sân bay Long Thành cũng như giảm tải cho các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Đó là tuyến ĐT.780B; ĐT.773B; ĐT.789B; ĐT.763B. Các đường này sẽ có lộ giới từ 45-60m, tổng vốn đầu tư cả 4 đường lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
TS Nguyễn Phước Minh, Giảng viên bộ môn Đường bộ, ĐH Giao thông vận tải, phân hiệu TPHCM, đánh giá giao thông kết nối sân bay Long Thành đến các đô thị phía Nam cực kỳ quan trọng, nó ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác của sân bay cũng như đòn bẩy phát triển kinh tế khu vực. Vì vậy việc đẩy nhanh các dự án giao thông kết nối sân bay Long Thành là điều cần thiết và cấp bách.
Theo ông Minh, sân bay Long Thành được xây dựng theo nhiều giai đoạn hoàn thành. Quy hoạch giao thông kết nối cần phù hợp theo từng giai đoạn, tránh trường hợp hệ thống hạ tầng giao thông phải “đuổi” theo tiến độ sân bay Long Thành.
“Các nhà quản lý cần xây dựng kịch bản cụ thể từng năm, từng giai đoạn khai thác vận hành của sân bay Long Thành để đẩy nhanh các dự án cấp bách ưu tiên. Dự kiến cuối năm 2025 sân bay Long Thành vận hành giai đoạn 1. Khi đó chắc chắn giao thông kết nối TPHCM – sân bay sẽ đổ dồn lên cao tốc TPHCM – Long Thành nên tuyến đường này cần mở rộng ngay và rất cấp bách. Do cao tốc TPHCM – Long Thành là tuyến quốc lộ Bắc – Nam nên tuyến đường này “gánh” lượng xe không có nhu cầu đến sân bay lớn như xe khách, xe du lịch, xe tải, container… Chính vì thế áp lực lên tuyến cao tốc này quá tải nghiêm trọng khi sân bay Long Thành đưa vào hoạt động”, TS Minh nhận định.
Ông Minh nhấn mạnh cần sớm triển khai và xây dựng tuyến đường sắt riêng Thủ Thiêm – Long Thành để tránh xung đột giao thông. Đây là tuyến giao thông riêng cho khách đến sân bay giúp giảm áp lực rất lớn lên các tuyến cao tốc khác như Bến Lức – Long Thành, TPHCM – Long Thành.
TS Minh cũng cho rằng, hiện các dự án kết nối sân bay Long Thành đã có trong quy hoạch, nhiều dự án đã khởi công, tuy nhiên các cơ quan chức năng cũng cần tính đến bài toán thói quen sử dụng giao thông của người dân từng giai đoạn để có giải pháp ưu tiên thực hiện.
“Chúng ta cần khảo sát, đánh giá thói quen sử dụng giao thông của người dân, du khách từng giai đoạn 2025-2030 và 2030-2040 để có những giải pháp ưu tiên thực hiện. Ví dụ tốc độ người dân có ô tô ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng vận tải hành khách công cộng chưa được cao cũng là một thách thức lớn giải bài toán kẹt xe trong tương lai”, ông Minh nhấn mạnh.